Trang thông tin điện tử

Trang thông tin điện tử

Liên đoàn Lao động tỉnh Điện Biên

Quy định giám sát trong tổ chức Công đoàn

Thứ ba - 28/05/2019 05:39
TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG TỈNH ĐIỆN BIÊN
 
 
  

Số:  212/LĐLĐ
Về việc thực hiện Quy định giám sát
trong tổ chức Công đoàn
CÔNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
 
 
  

Điện Biên, ngày 12  tháng 11  năm 2018
 
 
 
                      Kính gửi: - Liên đoàn Lao động các huyện, thị xã, Thành phố
                                       - Các Công đoàn ngành, CĐVC tỉnh
                      ​                 - Các CĐCS trực thuộc LĐLĐ tỉnh
         
      Căn cứ Quyết định số 833/QĐ-TLĐ ngày 17/4/2018 của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về việc ban hành Quy định Giám sát trong tổ chức Công đoàn. Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh yêu cầu các đơn vị triển khai thực hiện một số nội dung sau:
      1. Các cấp Công đoàn trong tỉnh tổ chức quán triệt, tuyên truyền, phổ biến và có trách nhiệm thực hiện Quy định Giám sát trong tổ chức Công đoàn theo Quyết định số 833/QĐ-TLĐ ngày 17/4/2018 của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về việc ban hành Quy định Giám sát trong tổ chức công đoàn (gửi kèm công văn).
      2. Các cấp Công đoàn giao cho Ủy ban kiểm tra cùng cấp là đầu mối tổ chức triển khai, theo dõi và kiểm tra việc thực hiện Quy định giám sát trong tổ chức công đoàn cấp mình.
Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị báo cáo về Liên đoàn Lao động tỉnh (qua Văn phòng Ủy ban kiểm tra) để tổng hợp, xem xét, giải quyết./.
 
Nơi nhận:
- Thường trực LĐLĐ tỉnh;
- Như kính gửi;
- Ken Hồ sơ công việc;
- Lưu VT, UBKT.
 
TM. BAN THƯỜNG VỤ
PHÓ CHỦ TỊCH
 
 (Đã ký)
 
Lầu Thị Thanh Hương
 
 
TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG
VIỆT NAM
 
 
 
             
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
 
 
 
      
QUY ĐỊNH
Giám sát trong tổ chức công đoàn
(Ban hành kèm theo Quyết định số 833/QĐ-TLĐ ngày 17 tháng  4 năm 2018 của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam)
 
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
      Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
      Quy định này quy định việc giám sát trong tổ chức công đoàn, từ Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đến công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn.
      Điều 2. Đối tượng áp dụng
      Các ban, đơn vị kinh tế, sự nghiệp trực thuộc công đoàn, ban chấp hành, ban thường vụ, ủy ban kiểm tra công đoàn các cấp.
      Điều 3. Mục đích giám sát
      1- Chủ động nắm tình hình và đánh giá đúng hoạt động của tổ chức và cán bộ công đoàn thuộc phạm vi lãnh đạo, quản lý; đề ra các chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ được giao; góp phần bổ sung, sửa đổi các quy định của công đoàn phù hợp với thực tiễn.
      2- Phát huy ưu điểm; phát hiện hạn chế, thiếu sót, khuyết điểm và nguyên nhân để kịp thời uốn nắn, chấn chỉnh, khắc phục; cảnh báo, phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm của tổ chức công đoàn, cán bộ công đoàn. Quá trình giám sát nếu phát hiện có dấu hiệu sai phạm thì chuyển cấp có thẩm quyền kiểm tra.
      3- Góp phần xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của công đoàn; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, công nhân viên chức, lao động.
      Điều 4. Nguyên tắc giám sát
      1- Ban Chấp hành, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn và ban chấp hành, ban thường vụ công đoàn các cấp lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác giám sát.
      2- Ban chấp hành, ban thường vụ, ủy ban kiểm tra công đoàn cấp trên giám sát tổ chức công đoàn cấp dưới và cán bộ công đoàn. Cán bộ công đoàn thực hiện việc giám sát theo sự phân công của tổ chức công đoàn và ủy ban kiểm tra công đoàn có thẩm quyền.
      3- Tổ chức công đoàn và cán bộ công đoàn chịu sự giám sát của công đoàn.
      4- Việc thực hiện giám sát phải đảm bảo dân chủ, khách quan, đúng nguyên tắc và quy định của công đoàn. Hạn chế việc gây phiền hà đến tổ chức, cá nhân, gia đình cán bộ công đoàn.
      Điều 5. Chế độ giám sát
      1- Các chủ thể giám sát thực hiện chế độ giám sát như sau:
      a) Lãnh đạo, chỉ đạo công tác giám sát.
      b) Xây dựng phương hướng, nhiệm vụ, chương trình, kế hoạch giám sát tổ chức công đoàn cấp dưới và cán bộ công đoàn.
      c) Hướng dẫn, tổ chức thực hiện công tác giám sát thường xuyên và giám sát theo chuyên đề.
      d) Theo dõi, đôn đốc đối tượng giám sát thực hiện thông báo kết quả giám sát.
      đ) Kiểm tra, sơ kết, tổng kết và tuyên truyền việc thực hiện công tác giám sát.
      2- Các cấp công đoàn, cán bộ công đoàn phải chấp hành nghiêm chỉnh việc giám sát của chủ thể giám sát.
 
Chương II
PHẠM VI, CHỦ THỂ, ĐỐI TƯỢNG VÀ NỘI DUNG GIÁM SÁT
 
      Điều 6. Phạm vi giám sát
      1- Ban chấp hành, ban thường vụ, ủy ban kiểm tra công đoàn các cấp (từ cơ sở trở lên) giám sát các đối tượng và nội dung thuộc phạm vi lãnh đạo, quản lý của mình.
      2- Ủy ban kiểm tra công đoàn các cấp giám sát các đối tượng và nội dung thuộc phạm vi lãnh đạo quản lý của công đoàn cùng cấp và cấp dưới.
      3- Đối với những nơi có văn phòng ủy ban kiểm tra thì văn phòng ủy ban kiểm tra là cơ quan giúp việc cho uỷ ban kiểm tra thực hiện nhiệm vụ và quyền giám sát theo quy định.
      Điều 7. Chủ thể giám sát
      Ban chấp hành, ban thường vụ, ủy ban kiểm tra công đoàn cơ sở trở lên; các cơ quan tham mưu, giúp việc của Tổng Liên đoàn, của liên đoàn lao động các tỉnh, thành phố, công đoàn ngành Trung ương và tương đương, công đoàn công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn.
      Điều 8. Đối tượng giám sát
      1- Đối tượng giám sát gồm: Ban chấp hành, ban thường vụ, thường trực công đoàn bộ phận, nghiệp đoàn bộ phận trở lên; ủy ban kiểm tra công đoàn các cấp; các cơ quan, đơn vị của công đoàn, các ban tham mưu, giúp việc của công đoàn; cán bộ công đoàn các cấp.
      2- Phân cấp việc giám sát của các cấp công đoàn:
     a) Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn giám sát: Đoàn Chủ tịch, Thường trực Đoàn Chủ tịch, Ủy ban Kiểm tra Tổng Liên đoàn, các đồng chí Ủy viên Đoàn Chủ tịch, ủy viên Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn.
      b) Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn giám sát: Ủy ban Kiểm tra Tổng Liên đoàn, các ban tham mưu của Tổng Liên đoàn; các tổ chức công đoàn và đơn vị trực thuộc Tổng Liên đoàn; các đồng chí ủy viên Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn, cán bộ thuộc diện Tổng Liên đoàn quản lý.
      c) Ban chấp hành công đoàn các cấp từ cơ sở trở lên giám sát: Ban thường vụ công đoàn, thường trực công đoàn cùng cấp; ủy ban kiểm tra công đoàn cùng cấp; ủy viên ban chấp hành, ủy viên ban thường vụ công đoàn cùng cấp.
      d) Ban thường vụ công đoàn các cấp từ cơ sở trở lên giám sát: Thường trực công đoàn, ủy ban kiểm tra, các ban tham mưu, giúp việc của công đoàn cùng cấp; tổ chức công đoàn cấp dưới trực thuộc, ủy viên ban chấp hành công đoàn cùng cấp và cán bộ công đoàn cấp dưới thuộc cấp mình quản lý.
      đ) Ủy ban kiểm tra công đoàn các cấp giám sát: Ủy viên ban chấp hành và cán bộ công đoàn cùng cấp (kể cả chủ tịch, phó chủ tịch, ủy viên ban thường vụ); ban chấp hành, ban thường vụ, thường trực công đoàn cấp dưới (trước hết là tổ chức công đoàn cấp dưới trực tiếp thuộc phạm vi công đoàn cấp mình quản lý); cán bộ công đoàn cấp dưới thuộc diện công đoàn cấp mình quản lý.
      e) Các cơ quan tham mưu, giúp việc của công đoàn giám sát: Cơ quan tham mưu, giúp việc của công đoàn cấp dưới trực tiếp thuộc lĩnh vực mình quản lý; thành viên trong cơ quan mình và cán bộ thuộc lĩnh vực mình quản lý.
      Điều 9. Nội dung giám sát
      1- Nội dung giám sát đối với cán bộ công đoàn:
      a) Việc chấp hành Điều lệ, chỉ thị, nghị quyết, quy định, quyết định của công đoàn.
      b) Việc chấp hành nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc, chế độ công tác.
      c) Việc thực hiện kê khai tài sản.
      d) Việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.
     đ) Các biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống được xác định trong Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
      2- Nội dung giám sát đối với tổ chức, tập thể: 
      a) Việc thực hiện các nguyên tắc tổ chức, hoạt động, quy chế làm việc, chế độ công tác, giữ gìn đoàn kết nội bộ.
      b) Việc lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức, thực hiện Điều lệ, nghị quyết, chỉ thị, quyết định và các quy định, quy chế của tổ chức công đoàn.
      c) Việc thực hiện phương hướng, nhiệm vụ, chương trình, kế hoạch công tác của tổ chức, đơn vị.
      d) Việc giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo.
     e) Việc ban hành các văn bản theo chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước và quy định của tổ chức công đoàn.
Chương III
 PHƯƠNG PHÁP, HÌNH THỨC VÀ XỬ LÝ KẾT QUẢ GIÁM SÁT
 
      Điều 10. Hình thức giám sát
      1- Giám sát thường xuyên: Là thành viên hoặc cán bộ được giao thực hiện nhiệm vụ giám sát thường xuyên bằng phương pháp trực tiếp và gián tiếp đối với một số đối tượng nhất định (tổ chức công đoàn và cán bộ công đoàn).
      2- Giám sát theo chuyên đề: Là giám sát theo chương trình, kế hoạch giám sát hàng năm, được thành lập thành đoàn, tổ để thực hiện việc giám sát.
      Điều 11. Phương pháp giám sát
     1- Phương pháp giám sát trực tiếp:
      a) Ban chấp hành, ban thường vụ công đoàn các cấp giám sát trực tiếp bằng cách:
      - Thực hiện đối thoại, chất vấn tại các kỳ hội nghị của công đoàn.
      - Nghe tổ chức công đoàn cấp dưới trực tiếp báo cáo.
      - Cử thành viên dự các cuộc họp, hội nghị của đối tượng giám sát.
      - Quan sát, tìm hiểu, gặp gỡ, giao tiếp, trao đổi, góp ý với đối tượng giám sát.
     b) Ủy ban kiểm tra các cấp giám sát trực tiếp bằng cách:
      - Dự các cuộc họp của ban chấp hành công đoàn cùng cấp.
      - Theo dõi lĩnh vực, địa bàn, dự các cuộc họp, hội nghị của công đoàn cấp dưới.
      - Tham gia các đoàn công tác của công đoàn cùng cấp.
      - Gặp gỡ, trao đổi, góp ý với đối tượng giám sát.
      - Đôn đốc, theo dõi việc chấp hành kết luận kiểm tra, quyết định kỷ luật, kết quả giám sát chuyên đề.
      2- Phương pháp giám sát gián tiếp:
      a) Xem xét báo cáo hoạt động của tổ chức công đoàn cùng cấp và cấp dưới.
      b) Nghiên cứu, xem xét các văn bản, báo cáo; kết luận về các cuộc kiểm tra, thông báo về kết quả giám sát; kết quả đánh giá thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao của công đoàn cùng cấp và cấp dưới.
      c) Ý kiến trao đổi, phản ánh, kiến nghị, báo cáo kết quả thanh tra, kiểm tra, giám sát của tổ chức Đảng, Thanh tra nhà nước, Mặt trận Tổ quốc; dư luận xã hội, phản ánh của các phương tiện thông tin đại chúng.
      d) Xem xét đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của cán bộ, đoàn viên, CNVC LĐ gửi đến tổ chức công đoàn.
      Điều 12. Quy trình giám sát
      1- Giám sát thường xuyên:
      a) Thông báo cho đối tượng giám sát biết về thành viên hoặc cán bộ được giao thực hiện nhiệm vụ giám sát.
      b) Thực hiện giám sát thường xuyên bằng phương pháp giám sát trực tiếp và giám sát gián tiếp.
      2- Giám sát theo chuyên đề:
      a) Xây dựng chương trình giám sát hằng năm và thông báo cho đối tượng giám sát.
      b) Thành lập đoàn giám sát, tổ giám sát (gọi chung là đoàn giám sát); xây dựng kế hoạch giám sát cụ thể đối với tổ chức công đoàn hoặc cán bộ công đoàn.
      c) Có văn bản yêu cầu đối tượng giám sát viết báo cáo và cung cấp tài liệu liên quan đến nội dung giám sát.
      d) Đoàn giám sát nghiên cứu báo cáo, tài liệu; làm việc với các tổ chức, cá nhân có liên quan; chuẩn bị dự thảo báo cáo kết quả giám sát.
      đ) Chủ thể giám sát yêu cầu tổ chức công đoàn được giám sát hoặc tổ chức công đoàn có cán bộ được giám sát tổ chức hội nghị để đối tượng giám sát báo cáo; đoàn giám sát trình bày dự thảo báo cáo kết quả giám sát; hội nghị thảo luận.
      e) Thông báo kết quả giám sát bằng văn bản đến tổ chức công đoàn, cán bộ được giám sát và tổ chức, cá nhân có liên quan.
      g) Theo dõi, đôn đốc đối tượng giám sát thực hiện thông báo kết quả giám sát.
      Điều 13. Xử lý kết quả giám sát
      1- Kịp thời nhắc nhở, lưu ý, cảnh báo bằng các hình thức thích hợp theo thẩm quyền với đối tượng giám sát về những vấn đề cần thiết.
      2- Nhận xét, đánh giá kết quả giám sát; xem xét trách nhiệm của đối tượng giám sát; xử lý theo thẩm quyền hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý.
      3- Yêu cầu đối tượng giám sát sửa chữa thiếu sót, khuyết điểm và khắc phục hậu quả (nếu có).
      4- Yêu cầu tổ chức công đoàn và lãnh đạo có thẩm quyền chỉ đạo đối tượng giám sát chấp hành thông báo kết quả giám sát.
      5- Qua giám sát, nếu phát hiện có dấu hiệu sai phạm thì chủ thể giám sát có trách nhiệm báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định kiểm tra vụ việc.
  Chương IV
THẨM QUYỀN, TRÁCH NHIỆM CỦA CHỦ THỂ; TRÁCH NHIỆM, QUYỀN CỦA ĐỐI TƯỢNG GIÁM SÁT
VÀ TỔ CHỨC, CÁ NHÂN CÓ LIÊN QUAN ĐẾN CÔNG TÁC GIÁM SÁT
 
      Điều 14. Thẩm quyền và trách nhiệm của chủ thể giám sát
      1- Thẩm quyền của chủ thể giám sát:     
      a) Ban hành các văn bản về thực hiện công tác giám sát (như chương trình, kế hoạch, thông báo, quyết định giám sát).
     b) Cử đại diện lãnh đạo hoặc cán bộ theo dõi lĩnh vực, địa bàn dự các cuộc họp, hội nghị của ban chấp hành, ban thường vụ, thường trực công đoàn cùng cấp và các tổ chức công đoàn cấp dưới theo quy định; lập các đoàn, tổ giám sát để tiến hành các cuộc giám sát; nắm tình hình liên quan đến đối tượng được giám sát.
      c) Chủ thể giám sát, đoàn giám sát, cán bộ được giao nhiệm vụ giám sát được yêu cầu đối tượng giám sát, các tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu, trả lời, trao đổi về những nội dung liên quan đến việc giám sát; yêu cầu tổ chức công đoàn quản lý đối tượng giám sát phối hợp thực hiện.
      d) Qua giám sát, chủ thể giám sát nhận xét, đánh giá về ưu điểm, khuyết điểm và nguyên nhân; rút kinh nghiệm về lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện; bổ sung, sửa đổi, nhắc nhở, cảnh báo, kiến nghị những vấn đề cần thiết.
     đ) Khi phát hiện đối tượng giám sát thực hiện không đúng Điều lệ, nghị quyết, các quy định của công đoàn và quy định của Đảng, Nhà nước thì yêu cầu khắc phục, sửa chữa hoặc xử lý theo thẩm quyền; nếu thấy cần thiết thì yêu cầu huỷ bỏ quyết định, quy định sai trái đó.
      2- Trách nhiệm của chủ thể giám sát:
      a) Thực hiện việc giám sát thường xuyên, giám sát theo chương trình, kế hoạch và giữ bí mật về nội dung văn bản, tài liệu, cá nhân có liên quan đến việc giám sát. Công tâm, khách quan khi thực hiện giám sát; báo cáo, chịu trách nhiệm trước tổ chức có thẩm quyền về kết quả giám sát.
      b) Thông báo cho đối tượng giám sát về quyết định thành lập đoàn giám sát, kế hoạch giám sát chuyên đề.
      c) Thông báo bằng văn bản kết quả giám sát chuyên đề cho đối tượng giám sát; đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, bổ sung những vấn đề cần thiết và tiếp tục theo dõi, đôn đốc đối tượng giám sát chấp hành thông báo kết quả giám sát.
      d) Báo cáo kết quả giám sát với tổ chức công đoàn có thẩm quyền và thông báo cho tổ chức công đoàn có liên quan. Đoàn giám sát và cán bộ được giao nhiệm vụ giám sát có trách nhiệm báo cáo kết quả giám sát bằng văn bản với chủ thể giám sát; lập và quản lý hồ sơ theo quy định.
      đ) Hướng dẫn và tổ chức tuyên truyền, phố biến công tác giám sát theo quy định.
      Điều 15. Trách nhiệm và quyền của đối tượng giám sát và tổ chức, cá nhân liên quan
      1- Trách nhiệm của đối tượng giám sát và tổ chức, cá nhân có liên quan:
      a) Chấp hành nghiêm chỉnh quy định của công đoàn về công tác giám sát. Chấp hành các yêu cầu, quyết định của chủ thể giám sát hoặc của tổ chức công đoàn có thẩm quyền.
      b) Có trách nhiệm mời chủ thể giám sát và cán bộ được phân công giám sát dự các cuộc họp, hội nghị; cung cấp đầy đủ, kịp thời các thông tin, tài liệu; tham dự đầy đủ các cuộc họp, buổi làm việc được triệu tập; báo cáo, trao đổi đầy đủ, trung thực với chủ thể giám sát về các nội dung được yêu cầu.
      c) Thực hiện quyết định, thông báo, tiếp thu việc nhắc nhở, cảnh báo, các đề nghị hoặc yêu cầu của chủ thể giám sát; nghiên cứu, xem xét để phát huy mặt mạnh; khắc phục, sửa chữa những thiếu sót, khuyết điểm hoặc hậu quả gây ra và báo cáo với chủ thể giám sát đúng quy định.
      d) Không được gây khó khăn, trở ngại; không được từ chối khi có yêu cầu giám sát của chủ thể giám sát có thẩm quyền; không để lộ bí mật nội dung giám sát và các thông tin, tài liệu có liên quan đến việc giám sát cho tổ chức, cá nhân không có trách nhiệm biết.
      2- Quyền của đối tượng giám sát và tổ chức, cá nhân có liên quan:
      a) Được chủ thể giám sát thông báo trước người được phân công giám sát thường xuyên; được nghe nhận xét, đánh giá về bản thân hay tổ chức mà mình là thành viên.
      b) Được chủ thể giám sát thông báo trước quyết định, kế hoạch giám sát theo chuyên đề.
      c) Được thảo luận, trình bày ý kiến, giải trình và bảo lưu ý kiến; được sử dụng bằng chứng chứng minh về các nội dung giám sát thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chức trách của mình.
      d) Từ chối trả lời, cung cấp thông tin, tài liệu không thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chức trách của mình hoặc không liên quan đến nội dung giám sát hoặc thấy chủ thể giám sát thực hiện không đúng nội dung, yêu cầu, trách nhiệm, thẩm quyền giám sát.
      đ) Được đề nghị, phản ánh, báo cáo với công đoàn có thẩm quyền xem xét lại nhận xét, đánh giá đối với mình hoặc xem xét lại việc giám sát không đúng nội dung, yêu cầu, trách nhiệm của chủ thể giám sát.
Chương V
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
 
      Điều 16. Khen thưởng và xử lý vi phạm
      1- Tổ chức, cá nhân có thành tích trong thực hiện Quy định Giám sát trong tổ chức công đoàn được biểu dương, khen thưởng theo quy định.
      2- Tổ chức, cá nhân vi phạm Quy định Giám sát trong tổ chức công đoàn tuỳ nội dung, tính chất, mức độ, tác hại, nguyên nhân vi phạm để xem xét, xử lý theo quy định.
      Điều 17. Trách nhiệm tổ chức thực hiện và chấp hành Quy định
      1- Các cấp công đoàn lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức việc nghiên cứu, quán triệt, tuyên truyền, phổ biến và triển khai thực hiện nghiêm túc Quy định Giám sát trong tổ chức công đoàn.
      2- Các nội dung giám sát chưa có trong Quy định này thì căn cứ vào quy định số 124-QĐ/TW về giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức Chính trị xã hội và nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên và các quy định khác của Đảng, Nhà nước để thực hiện giám sát.
      3- Công đoàn các cấp, ủy viên ban chấp hành, cán bộ công đoàn các cấp có trách nhiệm thực hiện nghiêm chỉnh Quy định này.
      4- Uỷ ban kiểm tra công đoàn các cấp giúp công đoàn cùng cấp tổ chức triển khai thực hiện Quy định Giám sát trong công đoàn cấp mình.
      5- Uỷ ban Kiểm tra Tổng Liên đoàn hướng dẫn, đôn đốc, theo dõi, kiểm tra việc thực hiện quy định này, định kỳ báo cáo Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
      Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc báo cáo về Tổng Liên đoàn (qua Ủy ban Kiểm tra) để xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
  
 
 
 
 
 
TM. ĐOÀN CHỦ TỊCH
CHỦ TỊCH
 
 (Đã ký)
 
 Bùi Văn Cường

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

92/CT-UBND

Chỉ thị số 92/CT-UBND về việc trích nộp kinh phí công đoàn

Thời gian đăng: 29/03/2023

lượt xem: 818 | lượt tải:256

5440/QĐ-TLĐ

Quyết định số 5440/QĐ-TLĐ về việc ban hành Quy định về nguyên tắc xây dựng và giao dự toán tài chính công đoàn năm 2023

Thời gian đăng: 13/10/2022

lượt xem: 2241 | lượt tải:1073

65/HD-TLĐ

Hướng dẫn số 65/HD-TLĐ hướng dẫn xây dựng dự toán tài chính công đoàn năm 2023

Thời gian đăng: 13/10/2022

lượt xem: 1781 | lượt tải:921

5051/QĐ-TLĐ

Quyết định số 5051/QĐ-TLĐ về việc ban hành Quy định chế độ chi tổ chức Đại hội Công đoàn các cấp tiến tới Đại hội lần thứ XIII Công đoàn Việt Nam

Thời gian đăng: 05/08/2022

lượt xem: 4479 | lượt tải:2411

4290/QĐ-TLĐ

Quyết định số 4290/QĐ-TLĐ ngày 01/3/2022 của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về việc ban hành Quy định thu, chi, quản lý tài chính, tài sản tại Công đoàn cơ sở

Thời gian đăng: 08/03/2022

lượt xem: 13771 | lượt tải:8737

47/HD-TLĐ

Hướng dẫn số 47/HD-TLĐ ngày 30/12/2021 của Tổng LĐLĐ Việt Nam về việc thực hiện quy chế quản lý tài chính, tài sản công đoàn và chế độ kế toán đối với công đoàn cơ sở

Thời gian đăng: 23/05/2022

lượt xem: 5232 | lượt tải:3051

42/HD-TLĐ

Hướng dẫn số 42/HD-TLĐ ngày 11/11/2021 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về việc công khai tài chính, tài sản công đoàn

Thời gian đăng: 26/05/2022

lượt xem: 3969 | lượt tải:1596

38/HD-TLĐ

Hướng dẫn số 38/HD-TLĐ về việc quy định chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan công đoàn

Thời gian đăng: 31/05/2022

lượt xem: 2261 | lượt tải:782

1076 /LĐLĐ

Công văn số 1076 /LĐLĐ V/v hưởng ứng tham gia Cuộc thi Sáng kiến Vì cộng đồng lần thứ IV

Thời gian đăng: 20/05/2021

lượt xem: 1474 | lượt tải:260

1077/LĐLĐ

Công văn số 1077/LĐLĐ V/v tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh

Thời gian đăng: 20/05/2021

lượt xem: 1086 | lượt tải:251
Thống kê
  • Đang truy cập48
  • Hôm nay8,469
  • Tháng hiện tại269,546
  • Tổng lượt truy cập13,874,857
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây